Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ có thể giúp kéo dài tuổi thọ của con người nhưng vẫn không thể ngăn ngừa quá trình lão hóa của tuổi tác, đặc biệt là hiện tượng suy giảm chức năng nghe (lão thính) ở người cao tuổi.
1. Bệnh lão thính là gì?
Ở cơ thể người, bộ phận tai được chia thành 3 phần đó là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Sóng âm thanh sẽ đi từ tai ngoài để tác động lên màng nhĩ khiến cho nó rung. Ở phía sau màng nhĩ có 3 xương nhỏ (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) có tác dụng nhận tín hiệu rung động truyền từ màng nhĩ đến ốc tai của tai trong và chuyển đổi thành các tín hiệu âm thanh và gửi đến dây thần kinh thính giác để lên não và cho phép con người nghe được.
Lão thính là căn bệnh thể hiện sự suy giảm thính lực xảy ra ở những người cao tuổi. Khi mắc phải căn bệnh này, khả năng nghe của người bệnh sẽ bị giảm sút dần dần và cả 2 bên tai đều bị ảnh hưởng như nhau, ban đầu người bệnh có thể không nhận ra nhưng theo thời gian, khi không còn có thể nghe thấy tiếng chuông điện thoại hay tiếng tivi…thì mới nhận ra, lúc này bệnh có thể đã trở nặng.
Theo thống kê, tại Mỹ có khoảng 10% dân số (gần 30 triệu người) rơi vào tình trạng lãng tai, nghe kém hay nghễnh ngãng…Trong đó, đa số người bệnh có độ tuổi từ 65 trở lên. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu mới nhất tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh…thì mức độ suy giảm thính lực ở những người từ 60 – 74 tuổi chiếm tới 36,61% (nam giới) và 27,38% (nữ giới). Những người trong độ tuổi từ 75 trở lên thì tỷ lệ này gần như tăng gần gấp đôi: nam giới là 65,08% và nữ giới là 57,6%.
2. Nguyên nhân gây bệnh lão thính ở người cao tuổi
Thông thường thì tuổi tác càng cao sẽ càng khiến cơ thể bị lão hóa, một trong các vấn đề mà con người gặp phải chính là sự suy giảm thính lực, sức nghe sẽ giảm đi ít hay nhiều tùy vào độ tuổi của mỗi người.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh lão thính ở người cao tuổi vẫn chưa được tìm ra, tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn thì hầu hết trường hợp bệnh nhân bị lão thính đều là do các tế bào thần kinh không làm việc tốt hoặc bị hư hỏng.
Ngoài ra, có thể có một vài yếu tố gây tổn thương cho các tế bào thần kinh bên tai trong có thể được coi là nguyên nhân gây lão thính bao gồm:
- Do sự xơ cứng động mạch và hẹp các mạch máu cung cấp máu đến ốc tai khiến cho lượng máu nuôi tế bào thần kinh ở tai bị giảm đi.
- Một số bệnh lý như tim, đái tháo đường hay tăng huyết áp cũng có thể làm cho tình trạng lão thính xấu hơn.
- Người bệnh phải tiếp xúc với tiếng ồn trong nhiều năm.
- Tiếp xúc với các loại thuốc hay chất cặn trong cơ thể.
- Thói quen hút thuốc lá, thừa cân.
- Do di truyền
Một khi các tế bào thần kinh bị tổn thương quá mức thì người bệnh sẽ nhận ra được sự suy giảm thính lực của bản thân. Lão thính sẽ không làm cho người bệnh bị điếc hoàn toàn nhưng cũng ảnh hưởng khá lớn đến sức nghe.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị lão thính chưa được quan tâm đúng mức vì thái độ chủ quan cho rằng đó là “bệnh tuổi già”, khi đó người bệnh sẽ không được chăm sóc và điều trị làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
Ngoài yếu tố tuổi tác thì nếu người bệnh tiếp xúc trong môi trường tiếng ồn lớn trong thời gian dài sẽ làm cho tình trạng suy giảm thính lực nặng hơn, do vậy cần phải đeo bảo vệ tai. Nếu công việc liên quan đến âm thanh thì nên điều chỉnh các dụng cụ chơi nhạc ở âm lượng vừa phải. Đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học để giúp cơ thể khỏe hơn, ngăn chặn các vấn đề do tuổi tác gây ra.
3. Dấu hiệu lão thính ở người cao tuổi
Khi mắc phải bệnh lão thính, người bệnh sẽ có các biểu hiện như:
- Sức nghe kém cả 2 bên tai và nặng hơn ở những âm sắc có tần số cao
- Thường xuyên bị chóng mặt, ù tai
- Suy giảm thính lực kèm giảm trí nhớ
Để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng lão thính thì cần phải tiến hành đo thính lực, xét nghiệm máu và chụp CT scan nếu nghi ngờ người bệnh có các bệnh lý khác kèm theo.
Nguồn: vinmec.com